Khôi phục sản xuất công nghiệp hỗ trợ
T Hà Nội xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy, hiện nay, trên địa bàn có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, sản xuất linh kiện, phụ tùng là nhóm chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện – điện tử. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Đánh giá về thực trạng lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ hiện nay, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN Hà Nội cho biết, trải qua khoảng thời gian khó khăn vì dịch bệnh, hiện các doanh nghiệp đã khắc phục được sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và nối lại được với những bạn hàng để tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng sáng của nền kinh tế Hà Nội.
“Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực. Trong đó tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may – da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo”, Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN Hà Nội cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã kết nối và bắt tay thành công với các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc…để hình thành nên những tổ hợp sản xuất trên địa bàn thủ đô. Điển hình như tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội do Tập đoàn N&G làm chủ đầu tư đã thu hút đầu tư, hợp tác và kết nối các doanh nghiệp tiêu biểu có năng lực sản xuất thực tế, có các sản phẩm linh kiện để hợp tác với các doanh nghiệp FDI lớn.
Đáng chú ý, các khu, cụm công nghiệp liên kết như Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tập trung nhiều doanh nghiệp cơ khí ngành điện tử gồm: Công ty Buykane làm ốc vít, Toho làm khuôn mẫu, Aikawa làm chi tiết kim loại dập, Standar làm các chi tiết nhôm… Khu công nghiệp Nội Bài, Quang Minh tập trung nhiều doanh nghiệp cơ khí ô tô, xe máy như: Công ty Fujico làm đĩa phanh xe máy, Kyoei làm khung càng đồ gá cho xe máy, Bright Sakura làm ống xả, Amstrong làm vành và nan hoa, Roki làm bầu lọc gió… đã, đang mang lại hiệu quả vượt trội trong sản xuất so với các khu cụm công nghiệp khác. Đây là các cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm cơ khí chính xác trong ngành điện tử, ô tô, xe máy.
Với những bước phát triển nhanh chóng như vậy, nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam là khả quan.
TP Hà Nội triển khai giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, giống như thực trạng chung của cả nước, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Hà Nội vẫn còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Đặc biệt, riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô ô vào khoảng 35 – 50 tỷ USD. Có thể thấy, việc đầu tư, xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công và một số dịch vụ khác tăng cao.
Theo Sở Công thương Hà Nội, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… triển khai nhiều giải pháp thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết phát triển các hành lang công nghiệp Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương – Quảng Ninh; Hà Nội – Vĩnh Yên – Việt Trì; Hà Nội – Lạng Sơn và vành đai kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình và trục quốc lộ 10. Hình thành các khu công nghiệp – đô thị gắn với phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại – dịch vụ, tăng cường liên kết và các cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt.
Do đó, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực; thành phố cũng xây dựng website về công nghiệp hỗ trợ, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho hay sẽ đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ triển khai mô hình nhà máy thông minh; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Thành phố sẽ giao các sở, ngành tổ chức 2 hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2024, có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan), tạo môi trường tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm sản xuất chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện.
Ngoài ra, Hà Nội tập trung liên kết phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế với 3 lĩnh vực chủ chốt gồm: sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đồng thời, Hà Nội triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu theo các chương trình, kế hoạch của thành phố, các chương trình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu, kết nối hợp tác phát triển cụm liên kết ngành với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố và cả nước…/.