Sáng 6/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2024 kết quả triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về đẩy mạnh phát triển KH,CN&ĐMST trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong – Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU dự và chủ trì hội nghị.
Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đến nay, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội; chỉ tiêu đốc độ tăng năng suất lao động mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đạt từ 7 – 7,5%. Bình quân 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 4,8%, cao hơn bình quân của cả nước (4,3%).
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Chương trình 07-CTr/TU cũng đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Ngày 12-3-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số PII với 62,86 điểm. Trong đó, trình độ phát triển của doanh nghiệp là một chỉ số thành phần của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội, năm 2024, ngân sách TP bố trí 110 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó 69,124 tỷ đồng kinh phí thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp, 40,876 tỷ đồng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp mới năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nổi bật trong hoạt động của ngành là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như: ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đến nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội chưa hình thành dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát, gây khó khăn trong công tác triển khai các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025…
Thành phố Hà Nội và hoạt động Chuyển đổi số
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm về: Kết quả triển khai Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố; kết quả 1 năm triển khai Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; kết quả triển khai thực hiện Chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp và mô hình hoạt động Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội.
Tại hội nghị, Nguyễn Văn phong điểm lại những kết quả nổi bật mà thành phố đã triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trong đó nhiều địa phương chủ động vào cuộc trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. “mục tiêu quan trọng của Chương trình số 07 là góp phần để tinh thần chuyển đổi số lan tỏa đến cộng đồng và mỗi người dân, để mỗi người dân nhận thấy sự cần thiết phải ứng dụng chuyển đổi số”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Điểm lại những hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, chuyển đổi số góp phần hỗ trợ và gia tăng hoạt động thương mại điện tử. Vì thế, công cuộc chuyển đổi số chỉ có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Trong đó, cần tạo sự chủ động cho người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong cho biết, qua báo cáo và 11 ý kiến tham luận cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP nên Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nhận thức của cấp ủy cũng như người dân về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được nâng lên và thành công phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của người đứng đầu.
Ngoài các nhiệm vụ trong dự thảo báo cáo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị, cần tập trung căn cứ chức năng nhiệm vụ nghiên cứu kỹ Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ để tham mưu đóng góp cho TP cụ thể hóa những điều quy định trong Luật. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm tới câu chuyện chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực, như số hóa di tích, xây dựng dữ liệu lĩnh vực nông nghiệp, dư địa còn rất lớn.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng thông tin sớm với các trường đại học về định hướng phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc để các trường hiểu và có đề xuất cụ thể. Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Đảng ủy Khối tiếp tục chủ trì để lãnh đạo TP gặp mặt với các trường đại học thông tin về định hướng quy hoạch TP Hòa Lạc là TP khoa học, công nghệ và giáo dục đại học.