Chuẩn bị hội nghị giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, và thực hiện chương trình phát triển sản xuất công nghiệp chủ lực thành phố năm 2021, ngày 12/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Đoàn công tác đến làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố.
Tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, để duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều chi phí của doanh nghiệp đã tăng cao như chi phí cho tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, vận chuyển, xét nghiệm…, trong khi doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Cùng với đó, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị đứt gãy cả đầu vào lẫn đầu ra, sức mua thị trường giảm…, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty.
Tuy vậy, với sự nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo, người lao động, công ty đã giữ vững thành quả, không có ca F0, F1 tại đơn vị. 9 tháng năm 2021, công ty đã đạt giá trị sản xuất hơn 2.740 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 344 tỷ đồng.
“Những tháng cuối năm 2021, công ty quyết tâm phục hồi, thúc đẩy công tác sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp, như thực hiện 9 chương trình chuyển đổi số, khâu đột phá, phấn đấu doanh thu năm 2021 vượt 18% so với năm 2020”, ông Nguyễn Đoàn Kết thông tin.
Tại Công ty cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình, ông Huỳnh Tấn Quyền, Phó Tổng Giám đốc công ty cũng chia sẻ các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh 3 tháng cuối năm và năm 2021 nhằm đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện nghiêm, đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch nhập nguyên, vật liệu sản xuất bảo đảm nếu có diễn biến xấu về dịch bệnh vẫn duy trì tốt việc sản xuất trong một thời gian.
Biểu dương công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp; chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đương đầu do thách thức từ dịch bệnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai lưu ý doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cụ thể, dự trù những tình huống có thể xảy ra để “biến nguy thành cơ”. Đồng chí cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch vì hiện nay còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, khó lường.
Về các kiến nghị của doanh nghiệp, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cho biết, hiện nay, thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng gói hỗ trợ 4.0 cho doanh nghiệp. Nếu xây dựng được chương trình chuyển đổi số, đáp ứng được các tiêu chí thì đơn vị trình, đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư để được xếp vào nhóm ưu tiên, qua đó góp phần tạo thêm cú hích cho doanh nghiệp tăng trưởng. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chúc các doanh nghiệp vững vàng vượt qua thời khắc khó khăn hiện tại để ngày một vươn lên, phát triển mạnh mẽ.