Giới Thiệu
Sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) thành phố Hà Nội là sản phẩm công nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, nền tảng, có tính lan tỏa mạnh đến kinh tế Thành phố, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; được tạo ra trên các dây chuyền thiết bị có trình độ công nghệ ngang tầm khu vực, phù hợp với trình độ sản xuất trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, đảm bảo năng lực sản xuất và môi trường bền vững; tạo ra mức tăng trưởng cao, ổn định; Hoặc thuộc nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp; là sản phẩm phát huy được giá trị truyền thống và tạo nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn; Là sản phẩm mới, phù hợp, đón đầu xu hướng thị trường, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững.
Chương trình phát triển SPCNCL được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai xây dựng với mục tiêu “Phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, các công đoạn và các chi tiết sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm có thương hiệu uy tín thuộc các ngành: Cơ khí, Điện – điện tử, Hóa nhựa, Dệt may – da giầy, Chế biến lương thực – thực phẩm”.
Chương trình được triển khai xây dựng từ những năm 2005, trong giai đoạn 2005 – 2015 thành phố Hà Nội đã có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Ngày 26/01/2018, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025” với mục đích: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực. Định hướng xét chọn SPCNCL theo đề án là phát triển các sản phẩm công nghệ cao phù hợp với ngành nghề lựa chọn SPCNCL; mở rộng đối tượng xét chọn đến các sản phẩm có doanh thu cao trên 100 tỷ đồng/năm và có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về tăng trưởng, xuất khẩu, trình độ sản xuất thông qua hệ thống tiêu chí, phương pháp đánh giá xét chọn SPCNCL của Thành phố; ưu tiên, khuyến khích sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp (Start – Up) tham gia xét chọn SPCNCL.
Năm 2018, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2018. Sở Công thương đã tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia Chương trình, tham mưu trình UBND Thành phố công nhận đối với 61 sản của 36 doanh nghiệp đạt SPCNCL Hà Nội.
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu SPCNCL Hà Nội năm 2018 được UBND thành phố được tham gia và thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ của Thành phố: Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp; Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Áp dụng kế hoạch sản xuất sạch hơn,… Việc công nhận và tôn vinh các SPCNCL của Thành phố góp phần tăng giá trị thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển bền vững.
Năm 2019, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án. Sở Công thương đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 08/4/2019 về phát triển SPCNCL Thành phố năm 2019. Trong đó, nội dung hướng dẫn, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia đánh giá, xét chọn SPCNCL Hà Nội năm 2019 đã được tập trung triển khai. Kết quả, Sở Công thương đã tham mưu UBND Thành phố công nhận 31 sản phẩm của 23 doanh nghiệp đạt SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2019.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án, Sở Công thương kính đề nghị các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng Kế hoạch triển khai; phối hợp với Sở Công thương trong công tác vận động, giới thiệu, cung cấp thông tin doanh nghiệp tham gia Chương trình xét chọn SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2020; tiếp tục thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là SPCNCL Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ.