Năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL). Kết quả, đã có 26 sản phẩm của 19 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện, được thành phố công nhận danh hiệu, trong đó 10 sản phẩm của sáu doanh nghiệp được lọt vào Top 10 SPCNCL Hà Nội 2020. Đây là các sản phẩm thuộc nhóm công nghiệp công nghệ cao, nhóm xuất khẩu chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.
Như vậy, sau 3 năm tiếp tục triển khai dự án, Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu SPCNCL, đạt 146,25% mục tiêu đề ra. Ngoài các doanh nghiệp trong nước còn có 10 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các thương hiệu toàn cầu.
Điểm đáng chú ý là các DN có SPCNCL đã nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hoá. Chính vì vậy, các SPCNCL của TP Hà Nội bảo đảm tính cạnh tranh cao, phát huy giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của DN trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Công ty TNHH Canon Việt Nam, thông qua chương trình tôn vinh các SPCNCL của Hà Nội, các DN có cơ hội được giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như có cơ hội giao lưu và học hỏi thêm các DN khác.
“Chương trình thực sự là một cuộc thi đua giữa các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố khi tất cả cùng cố gắng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo nên giá trị của DN. Thông qua chương trình, nhiều DN đã được hỗ trợ về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy đổi mới công nghệ nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo ra được nhiều nhà cung cấp mới trong hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước cũng như toàn cầu”, bà Huyền bày tỏ.
Bà Trần Thị Phương Lan, Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho rằng, phần lớn các SPCNCL thuộc các DN có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Các DN hoàn toàn có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế khi có năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu với uy tín thương hiệu đã được khẳng định mang tầm quốc tế.
“Đây là những DN năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm và mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tăng năng suất lao động, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững và có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong những năm qua”, bà Lan nhận xét.
Tuy nhiên theo bà Lan, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế cần phải được tiếp tục khắc phục, đó là việc triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển các SPCNCL sau khi được công nhận còn hạn chế. Việc liên kết hỗ trợ kết nối các DN sản xuất SPCNCL với nhau cũng chưa thực sự chặt chẽ.
Do đó, TP Hà Nội cần có thêm các chương trình, kế hoạch hỗ trợ xứng tầm dành riêng cho các DN sản xuất SPCNCL. Mục tiêu làm sao để lựa chọn được những sản phẩm thực sự tiêu biểu để công nhận là SPCNCL.
“Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ cụ thể để dành cho các DN có sản phẩm được công nhận là SPCNCL, từ đó thúc đẩy DN phát triển và đóng góp chung cho phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, thành phố luôn cần đồng hành cùng DN, chung tay cùng DN để vượt qua những khó khăn trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo”, bà Lan kì vọng.
Để có thêm nhiều SPCNCL, ở góc độ DN, bà Huyền – Công ty TNHH Canon Việt Nam cũng mong muốn, UBND TP Hà Nội, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN về nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp mũi nhọn và các ngành công nghệ tiên tiến theo xu hướng của thế giới, giúp cho các DN ngày càng có thể nâng cao sức cạnh tranh của mình, đóng góp nhiều hơn nữa trong việc phát triển TP Hà Nội nói chung nói riêng và Việt Nam.
“Sở Công Thương cần có kiến nghị để có thể xây dựng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp chủ lực nhiều hơn nữa, để các DN có thể tận dụng được nguồn nhân lực này tốt hơn. Từ đó sẽ tăng thêm phần giá trị gia tăng sản xuất tại Việt Nam nhiều hơn nữa đóng góp nhiều hơn nữa và bền vững hơn nữa cho sự phát triển Việt Nam”, bà Huyền mong muốn.
Đánh giá cao các doanh nghiệp và sản phẩm được tôn vinh năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng đề nghị các DN có trách nhiệm phát triển chiến lược sản xuất kinh doanh, cải tiến mô hình tổ chức sản xuất công nghiệp để tối ưu hóa các nguồn lực đầu vào và nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nhằm mở rộng thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và hội nhập kinh tế./.
Nguồn: VOV.VN