Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1 năm 2022 đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%. Quý I năm 2022, Việt Nam có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I năm ngoái, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng KNXK ; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có kim ngạch tăng so với năm trước.
Xuất khẩu Việt Nam với thị trường CPTPP tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ Công thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 91,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc – thiết bị, điện thoại – linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản… sang 10 quốc gia thành viên CPTPP với giá trị 46 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 45,4 tỷ USD.
Trong đó, các thị trường xuất khẩu đạt giá trị lớn gồm: Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chi-lê. 3 thị trường còn lại (Pê-ru, Brunei và New Zeland) dù tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị tuyệt đối trong giao dịch thương mại còn thấp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, kể từ khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực, kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng ấn tượng. Ông Hải cho biết. “Khác với khu vực Liên minh châu Âu (EU) – thị trường xuất khẩu tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP, đặc biệt là các nước châu Mỹ như Canada, Mexico, Pê-ru là những thị trường tương đối mới. Trước khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này còn khiêm tốn, nhưng kể từ khi có CPTPP đã tăng lên đáng kể. Điều này phản ánh, các doanh nghiệp đã tận dụng được hiệp định thương mại tự do (FTA) này để đẩy mạnh xuất khẩu”,
Sau 3 năm CPTPP đi vào thực thi, XK hàng hóa vào thị trường các nước trong CPTPP thu về những kết quả khá ấn tượng. Trong đó, XK sang 2 thị trường Chile, Peru tăng mạnh. Đặc biệt là ngành hàng thuỷ sản đã được các DN tận dụng tối đa ưu đãi trong CPTPP để thúc đẩy XK.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh: “CPTPP đang cho kết quả ban đầu rất tích cực từ góc độ mở đường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiến vào châu Mỹ, một khu vực còn mới mẻ và rất nhiều tiềm năng cho Việt Nam”.
Với Canada, theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Canada, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2021 đạt gần 5,3 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao năm thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2019, sau khi Việt Nam và Canada chính thức trở thành thành viên CPTPP. Tất cả các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada trong năm 2021 đều tăng trưởng so với năm 2020. Trong đó, máy móc, điện, điện tử là mặt hàng chủ lực, đóng góp chính vào tổng giá trị xuất khẩu. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất ấn tượng của doanh nghiệp Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Canada, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á, nhưng hàng Việt mới chiếm 1,7% tổng giá trị nhập khẩu của Canada, nên dư địa thị trường còn rất lớn. Việc Chính phủ Canada tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Việt tiếp cận và mở rộng khai thác thị trường tiềm năng này.