Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.”
Tính đến nay, sau 05 năm triển khai đề án, Hà Nội có 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.
Hà Nội thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,93% so với cùng kỳ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công nghiệp chủ lực. Toàn thành phố thu hút 2.526 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, cụ thể: Đăng ký cấp mới 305 dự án với số vốn đạt 270 triệu USD, 130 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 215 triệu USD, 252 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.041 triệu USD. Có 22,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký đạt 226,9 nghìn tỷ đồng.
Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh, TP. Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng phát triển, tháo gỡ khó khăn cho các DN; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi về vốn, cải cách thủ tục hành chính… để các DN sản xuất SPCNCL có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của thành phố.
Theo đó, thành phố đã và đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các DN sản xuất SPCNCL Hà Nội; hỗ trợ DN sản xuất SPCNCL phát triển khoa học công nghệ; đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thành phố…thông qua việc tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế như: Kết nối giữa DN Hà Nội với Singapo (ngành sản xuất công nghiệp, điện điện tử, công nghệ thông tin, thu hút đầu tư cụm công nghiệp…), Lào (ngành hàng thủ công mỹ nghệ); giới thiệu cung cấp thông tin mở rông thị trường 33 nước trên thế giới (Pháp, Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Na Uy, Ấn Độ; Trung Quốc, Nam phi, Nhật Bản, Hàn Quốc…).
Thành phố còn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ công nghiệp hỗ trợ thu hút 250 gian hàng đến từ 10 quốc gia; Hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa thu hút 200 gian hàng đến từ 15 quốc gia; Hội chợ năng lượng và môi trường 2023 thu hút 170 gian hàng đến từ 10 quốc gia… để các doanh nghiệp kết nối giao thương mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ…
Thành phố tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao… Đến nay, thành phố đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 19/43 cụm công nghiệp, tạo mặt bằng thu hút các DN trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…
Đồng thời, thành phố đang tập trung chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN đang hoạt động trên địa bàn và các công trình khác phục vụ hoạt động của CCN trong hàng rào các CCN đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN. Cùng với đó, hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 10 – 20 CCN thành lập giai đoạn 2018-2020; quyết định thành lập, mở rộng 5 – 10 CCN…/.